Old school Swatch Watches

Thời thơ ấu


Chương 12




Một hôm tôi ngủ thiếp đi từ lúc chập tối. Khi thức dậy tôi có cảm giác như chân tôi cũng thức dậy. Tôi thả chân xuống giường thì lại thấy hai chân tê cứng, nhưng lúc này tôi tin chắc rằng chân tôi vẫn còn nguyên và tôi vẫn đi được. Cảm giác đó rõ ràng đến nỗi tôi hét lên vì vui sướng. Hai chiếc chân không sao mang nổi thân tôi và tôi ngã lăn ra, nhưng tôi cũng bò được đến cửa và lần xuống cầu thang. Tôi tưởng tượng mọi người ở dưới nhà sẽ ngạc nhiên như thế nào khi trông thấy tôi. Tôi không nhớ vì sao tôi lại mò được vào buồng mẹ tôi và ngồi lên lòng bà tôi. Trước mặt bà tôi có mấy người lạ đang đứng. Một bà lão người khô đét vận đồ xanh nói giọng nghiêm khắc, át cả tiếng mọi người:
-Cho nó uống phúc bồn tử rồi trùm kín đầu lại... Tất cả mọi thứ trên người bà lão toàn là màu xanh: từ áo, mũ cho đến khuôn mặt điểm một nốt thịt thừa dưới mắt, đều xanh, thậm chí đến túm lông mọc trên nốt thịt thừa cũng xanh như một búi cỏ. Bà lão trề môi dưới xuống, vểnh môi trên lên và nhe những chiếc răng xanh ra nhìn tôi, đưa bàn tay đi găng đen không ngón rua đăng-ten giơ lên che mắt.
-Ai đấy?
-Tôi rụt rè hỏi. ông tôi trả lời bằng một giọng nghe rất khó chịu:
-Đấy là bà mới của mày đấy... Gượng cười, mẹ tôi đẩy Epgêni Macximôp lại phía tôi:
-Bố con đấy... Mẹ tôi nói gì rất nhanh và khó hiểu. Macximôp nheo mắt, cúi xuống gần tôi và nói:
-Bố sẽ cho con một hộp thuốc màu. Trong buồng rất sáng; góc phía trước, trên một cái bàn, có đặt những giá nến bằng bạc, trên mỗi giá có năm ngọn nến đang cháy. Giữa những giá nến đó là bức tượng thánh "Xin Đức Mẹ đừng khóc" mà ông tôi rất quý; những hạt ngọc trai gắn trên bức tượng lấp lánh và hình như chảy ra; những viên ngọc thạch lựu đỏ thẫm trên nền vàng của bức tượng phát ra những tia hào quang chói lọi. Những khuôn mặt lờ mờ, tròn trĩnh nom như những cái bánh tráng cùng với những cái mũi bẹt lặng lẽ như dán vào những tấm kính cửa sổ tối om trông ra phố. Tất cả mọi vật xung quanh tôi đều chập chờn nghiêng ngả. Còn bà lão vận đồ xanh thì đưa những ngón tay lạnh buốt sờ vào phía sau tai tôi và nói:
-Nhất định rồi, nhất định rồi...
-Nó ngất rồi,
-bà tôi nói và bế tôi ra cửa. Nhưng tôi không ngất, tôi chỉ nhắm mắt lại thôi. Lúc bà bế tôi lên cầu thang, tôi hỏi bà:
-Sao bà không bảo cháu chuyện ấy từ trước?
-Chà... thôi im đi!
-Các người là đồ lừa dối... Đặt tôi vào giường xong, bà tôi rúc đầu vào gối và khóc, toàn thân rung lên. Hai vai rung động, bà tôi nghẹn ngào, nói lắp bắp:
-Cháu khóc đi... khóc đi... Tôi không muốn khóc. Căn gác tối và lạnh; tôi run lên, chiếc giường rung chuyển và kêu ken két. Bà lão vận đồ xanh vẫn hiện lên trước mắt tôi. Tôi giả vờ như ngủ, và bà tôi đi ra. Mấy ngày trống rỗng trôi qua một cách đơn điệu như một dòng nước nhỏ. Sau lễ ăn hỏi mẹ tôi đi đâu mất, không khí trong nhà trở nên vắng vẻ một cách nặng nề. Một buổi sáng ông tôi lấy ra một cái đục, đi tới cửa sổ và cậy mát-tít trát ở khung cửa hồi mùa đông. Bà tôi đi tới, tay bưng chậu nước với chiếc giẻ lau. ông tôi khe khẽ hỏi bà:
-Thế nào, mụ già?
-Cái gì kia?
-Mừng lắm phải không? Bà tôi trả lời cũng giống như trả lời tôi lúc đi lên cầu thang:
-Chà... thôi im đi! Những lời đơn giản đó lúc này có một ý nghĩa đặc biệt, chúng che giấu một sự kiện gì lớn, đáng buồn không cần phải nói ra nhưng mọi người đều biết. ông tôi thận trọng tháo khung cửa và đưa ra ngoài. Bà tôi mở rộng cánh cửa sổ. Trong vườn tiếng sáo sậu kêu, tiếng chim sẻ ríu rít. Mùi thơm ngây ngất của đất sau khi tuyết tan ùa vào trong phòng. Trên thành lò sưởi những viên gạch men hình vuông màu xanh nhạt ngượng nghịu ngả sang màu trắng, nhìn chúng đủ cảm thấy lạnh lẽo. Tôi bò từ trên giường xuống sàn nhà.
-Không được đi chân đất.
-Bà tôi nói.
-Cháu muốn ra vườn.
-Hãy chờ ít lâu nữa có hơn không, ngoài ấy chưa khô đâu!
Tôi không muốn nghe lời bà tôi, thậm chí nhìn mặt người lớn tôi cũng cảm thấy khó chịu. Trong vườn những ngọn cỏ non xanh mượt đã nhú lên, những nụ táo đã mọng ra và nở tung, rêu trên mái nhà nhỏ của mụ Pêtrôpna có một màu xanh nom thật thích mắt. Chỗ nào cũng thấy có nhiều chim. Tiếng chim hót rộn ràng, làn không khí thơm mát làm cho đầu óc tôi ngây ngất. Trong cái hố chỗ bác Piôt cắt cổ tự tử có những bụi cỏ dại màu vàng hoe bị tuyết đè nát, rối tung. Nhìn cái hố đó thật khó chịu, nó không có một vẻ gì là mùa xuân cả; những mẩu gỗ cháy dở đen bóng trông thật buồn thảm. Sự vô dụng của nó như chọc tức tôi. Tôi bực mình muốn nhổ tung những bụi cỏ dại đi, nhặt những viên gạch vỡ ra và những mẩu gỗ cháy dở vứt ra ngoài, dọn hết tất cả những thứ bẩn thỉu, vô ích đi, sửa sang cái hố thành một chỗ ở thật sạch sẽ và mùa hè sẽ sống trong đó một mình, không có người lớn. Tôi liền bắt tay ngay vào việc. Công việc đó làm cho tôi xa cách tất cả những gì xảy ra trong nhà suốt một thời gian dài, và tuy những chuyện ấy hãy còn làm cho tôi rất bực mình, nhưng càng ngày chúng càng làm tôi ít quan tâm hơn.
-Làm sao mà mày cứ quằm quặm thế? -Bà tôi hoặc mẹ tôi thường hỏi tôi như vậy.
Tôi thấy lúng túng mỗi khi bà và mẹ tôi hỏi câu đó. Nào tôi có giận gì bà và mẹ tôi đâu, tôi chỉ cảm thấy mọi thứ trong nhà đều trở nên xa lạ đối với tôi. Vào những bữa ăn trưa, chiều và những bữa trà tối thường có mặt bà lão vận đồ xanh, nom hệt như một cái cọc mục ở giữa dãy hàng rào đổ nát. Cặp mắt của bà ta như được đính vào mặt bằng những sợi chỉ vô hình. Từ trong hai hốc mắt xương xẩu chúng nhẹ nhàng lăn ra và chuyển động thoăn thoắt. Hai con mắt đó nhìn không sót một cái gì. Chúng rướn lên mái nhà mỗi khi bà ta nói đến Chúa và cụp xuống má khi bà ta nói đến việc nhà. Cặp lông mày của bà ta trông như cám và như dán vào da. Những chiếc răng to, trơ trụi lặng lẽ nhai tất cả những gì bà ta nhét vào mồm, cánh tay khòng khòng trông đến buồn cười, ngón út chìa ra. Quanh tai bà những cục xương tròn chạy đi chạy lại. Hai tai luôn luôn cử động, cả đến túm lông xanh trên nốt thịt thừa cũng động đậy giống như đang bò trên lớp da vàng khè, nhăn nheo và sạch bóng đến phát ghét lên được. Bà lão cũng sạch sẽ như người con trai
-chạm vào họ người ta cảm thấy ngượng nghịu và khó chịu. Mấy hôm đầu có lúc bà ta định đưa bàn tay như tay người chết ra sờ vào môi tôi
-bàn tay có mùi hương và xà phòng Kazan. Tôi vội vàng quay đi và chạy mất. Bà ta thường nói với con trai:
-Thằng bé này nhất định phải giáo dục cẩn thận, hiểu không Giênáa? Người con trai cúi đầu ngoan ngoãn, cau mày và im lặng. Trước mặt bà ta ai cũng đều nhăn nhó cả. Tôi hết sức căm ghét bà lão, và cả con trai bà ta nữa. Cũng chính vì cái tình cảm nặng nề đó mà tôi đã phải ăn nhiều trận đòn. Một lần đang ăn trưa, bỗng bà lão nói, hai mắt trố ra trông rất khủng khiếp:
-Chà, Aliôsenka, đi đâu vội mà cắn những miếng to thế? Khéo không lại nghẹn đấy. Tôi lôi miếng đang nhai dở trong mồm ra, cắm lại vào dĩa và chìa ra trước mặt bà ta:
-Này, bà tiếc thì cầm lấy... Mẹ tôi kéo tôi ra khỏi bàn ăn, tôi bị đuổi lên gác thượng một cách nhục nhã. Bà tôi đi lên và bịt miệng cười:
-Cha mẹ ơi, ai bảo mày nghịch tinh nghịch quái như thế! Cầu Chúa che chở cho mày.
Tôi không thích bà tôi bịt miệng lại như vậy. Tôi chạy đi chỗ khác. Tôi leo lên mái nhà và ngồi nấp phía sau ống khói một lúc lâu. Đúng, tôi rất muốn nghịch ngợm, tôi muốn nói với tất cả mọi người những lời cay độc. Khó mà dập tắt được ý muốn đó, Tức Epgêni Macximôp. vậy mà vẫn phải dập tắt như thường. Một hôm tôi lấy nhựa anh đào bôi vào ghế của ông bố dượng tương lai và người bà mới của tôi, và cả hai đều bị dính vào ghế. Cảnh đó trông thật là buồn cười. Sau khi tôi bị ông tôi đánh, mẹ tôi lên gác thăm tôi. Mẹ tôi kéo tôi vào lòng, kẹp chặt tôi giữa hai đầu gối và hỏi:
-Nghe đây, sao con lại chơi ác như thế? Giá con biết được điều đó làm mẹ đau lòng như thế nào! Mắt mẹ tôi rưng rưng những giọt lệ long lanh, mẹ tôi áp đầu tôi vào má. Tôi thấy đau khổ quá, thà mẹ tôi cứ đánh cho tôi một trận còn hơn. Tôi hứa sẽ không bao giờ xúc phạm đến hai mẹ con Macximôp nữa, miễn là mẹ tôi đừng khóc.
-Phải đấy, -mẹ tôi nói nhỏ, -con không nên nghịch ngợm nữa! ít lâu nữa bố mẹ sẽ làm lễ cưới rồi sau đó sẽ đi Matxcơva. Sau đó bố mẹ trở về và con sẽ ở với mẹ. Epgêni Vaxiliêvitạ rất tốt và rất thông minh, ở với bố, con sẽ sung sướng. Rồi con sẽ vào trường trung học, sau đó sẽ trở thành sinh viên giống như bố bây giờ và rồi sẽ thành bác sĩ hoặc làm gì tùy ý. Người có học vấn thì muốn làm gì cũng được. Thôi, đi chơi đi con... Tôi cảm thấy những tiếng "sau đó" mà mẹ tôi lần lượt nói ra đó là một cái thang đi xuống một nơi sâu thẳm nào đấy mỗi lúc một xa mẹ tôi, đi sâu vào bóng tối, vào cảnh cô độc và điều ấy làm cho tôi buồn rầu vô hạn. Tôi rất muốn nói với mẹ tôi:
-Mẹ đừng đi lấy chồng mẹ ạ, con sẽ nuôi được mẹ! Nhưng tôi không sao nói được điều đó. Mẹ tôi luôn luôn gợi lên trong tâm trí tôi rất nhiều ý nghĩ âu yếm về người, nhưng không bao giờ tôi muốn nói những ý nghĩ ấy cả. Công việc của tôi ở trong vườn tiến hành rất trôi chảy: tôi lấy con dao lớn rẫy hết cỏ dại đi, xung quanh miệng hố, chỗ nào đất bị lở, tôi lấy gạch đắp lại. Tôi xếp gạch thành một chỗ ngồi rộng, có thể nằm được là đằng khác. Tôi nhặt thật nhiều mảnh thủy tinh màu và bát đĩa vỡ đem nhét vào những khe hở giữa các hàng gạch và lấy đất sét trát lại. Khi ánh nắng chiếu vào hố, chúng rực sáng lên những màu sắc rực rỡ giống như ở trong nhà thờ.
-Khéo nghĩ đấy!
-Một hôm ông tôi ngắm nghía công trình của tôi và nói.
-Có điều là cỏ nó sẽ làm mày gay đấy: rẫy cỏ mà không đánh hết rễ! Để tao xới lại đất cho, vào lấy cái mai ra đây! Tôi đem ra một chiếc xẻng bằng sắt. ông tôi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vừa lẩm bẩm vừa đưa chân ấn sâu chiếc xẻng xuống lớp đất màu mỡ.
-Nhặt rễ đi!... Rồi tao sẽ trồng ở đây cho mày mấy cây hướng dương và cây cối xay! Đẹp lắm... Và bỗng ông tôi im bặt, lặng người đi, người vẫn cúi trên chiếc xẻng. Tôi để ý nhìn: từ trong cặp mắt nhỏ thông minh giống như mắt chó của ông tôi, những giọt lệ lăn tăn liên tiếp nhỏ xuống đất.
-ông làm sao thế? ông tôi giật mình, đưa tay lau mặt và nhìn tôi bằng cặp mắt mờ đục.
-ông toát mồ hôi đấy! Trông kìa, bao nhiêu là giun! Rồi ông tôi lại tiếp tục đào và bỗng nhiên nói:
-Mày làm những cái này chỉ tổ phí công thôi, cháu ạ, tao sắp sửa bán nhà rồi, độ mùa thu này là bán. Cần có tiền để làm của hồi môn cho mẹ mày. Thôi thì cũng chỉ còn mong sao cho mẹ mày được sung sướng, cầu trời phù hộ cho mẹ mày... ông tôi vứt xẻng xuống đất, phẩy tay và đi về phía sau nhà tắm ở góc vườn, chỗ có đặt những chiếc nồi nấu nước.
Đến lượt tôi đào và bị xẻng đâm toạc ngay một ngón chân. Vì vậy tôi không đưa mẹ tôi đến nhà thờ để làm lễ cưới được. Tôi chỉ có thể ra cổng nhìn mẹ tôi khoác tay Macximôp và cúi đầu thận trọng đặt từng bước trên nền gạch của lề đường, trên những bụi cỏ xanh từ trong các kẽ gạch nhô lên, tựa như mẹ tôi đang đi trên những đầu đinh nhọn vậy. Lễ cưới rất âm thầm; sau khi ở nhà thờ về mọi người uống trà một cách buồn tẻ. Mẹ tôi đi thay quần áo ngay rồi vào buồng ngủ xếp đặt hòm xiểng. ông bố dượng tôi ngồi xuống cạnh tôi và nói:
-Bố có hứa cho con một hộp thuốc màu, nhưng ở đây không có loại nào tốt. Còn hộp của bố thì bố không thể cho con được, lên đến Matxcơva bố sẽ gửi về cho con vậy...
-Con lấy thuốc màu làm gì?

Tiếp truyện
mỗi lần click vào đường link này, bạn đã ủng hộ wap 0.0000001$. click vào để ủng hộ wap! Thank
Ten mien ngan gon:hoamaoga.tkThat de nho phai ko?




Danh gia
Có nên yêu không khi tình yêu đang le lói? Có nên nhớ không khi nỗi nhớ loé trong tim? Có nên tin không khi niềm tin đang trỗi dậy? Có nên ghét không khi yêu thương đang tràn trề?
>>>tiamo<<<
Đang đọc : 1 Hôm nay có: 1 bạn đọcLượt đọc: 10228bodem
© 2010-2011 Hoamaoga.mobie.in