Polaroid
Chuyện tình không nước mắt


Thằng bạn cùng phòng với gã đôi lúc cũng tỏ ra vẻ là con nhà có gia giáo. Nó không mày mày, tao tao..., cá mè một lứa như những thằng khác, mà tử tế gọi gã là thằng anh, còn tự xưng mình là thằng em.



Gã làm rửa bát ở quán Tầu, hàng ngày, cứ mười giờ sáng là khăn, áo, giày, mũ ra đi, đến gần mười hai giờ đêm. Còn thằng em thì phụ bếp ở quán YỠ, đi muộn, về muộn hơn một tiếng, có nghĩa là đến gần một giờ đêm mới mò về đến nhà. Thường thì, lúc gã dậy đi làm thì thằng em vẫn còn nằm ngáy phì phà, phì phò trên giường, còn buổi đêm, lúc nó về thì gã cũng đã ngủ say như chết. Vậy nên, mặc dù ở cùng một nhà, mà thằng anh, thằng em, ít khi có dịp nói chuyện gì đó với nhau được lâu lâu. Cũng còn may, hai thằng cùng xin được nghỉ vào một ngày thứ hai, mà hàng tuần còn có một dịp nấu nướng, ăn uống chung, rồi cà kê, chuyện nọ, chuyện kia một tí.

Một hôm, sau khi đã ngủ cho thật bõ mắt, hai thằng mới bò dậy, luộc ít cổ, cánh gà, xong khui mấy hộp bia ra, vừa ngồi nhâm nhi, vừa chuyện trò. Tự nhiên thằng em hỏi gã:

- Thằng anh tuổi con gì nhỉ?

Gã đáp, xong hỏi lại:

- Tuổi con chó. Sao?

Nó không trả lời, nhưng hỏi tiếp:

- Là chó ta hay chó tây?

Gã trả lời:

- Ðược là chó tây đã sướng. Nhưng tao nghĩ, là con chó ta chắc đúng hơn.

Nó lại hỏi:

- Nghĩa là thuộc loại chó vớ được cái gì cũng gặm, đúng không?

- Chắc là đúng. Ðến cứt cũng phải ăn nữa là... - Gã cười khẽ, đáp, xong hỏi lại:

- Thế tuổi thằng em là con gì?

Nó đáp:

- Em tuổi con lừa.

Gã phán:

- Thằng này nói lung tung. Làm gì có tuổi nào là tuổi con lừa?

Nó đáp:

- Chính ra thì là tuổi ngựa. Nhưng lừa với ngựa thì cũng è cổ ra mà thồ hàng, có khác gì nhau đâu. Bởi vì em ngu lâu nên mới tự nhận mình là lừa. Người ta vẫn bảo lùa ưa nặng, hoặc ngu như lừa là gì?

Gã cười:

- Thì người ta cũng bảo ngu như chó nữa?

Nó ra vẻ đăm chiêu:

- Anh em mình thật khéo hợp nhau. Một thằng chó, một thằng ngựa. Còn nhớ ngày đi học ở nhà, có lần đọc mấy câu thuộc lòng: Làm thân trâu ngựa cho loài khuyển dương. Em lại đọc nhầm trâu thành chó. Cô giáo nhắc trâu chứ không phải chó. Em cãi: Thưa cô thì chó hay trâu cũng vậy... Có thế mà bị bà ấy phạt, cho xơi trứng ngỗng ngon ơ như chuối đấy.

Một hôm thứ hai khác, thằng em khoe:

- Thằng anh biết không? Thằng em mới làm quen được với một con bé Việt Nam đấy.

Gã hỏi:

- Làm quen được ở đâu? Khá không?

Nó trả lời:

Thì ngay trong quán của thằng em. Nó đến ăn rồi quen thằng em.

Gã vặn:

- Cả buổi mày chúi mũi trong bếp chứ có ra ngoài phòng ăn đâu mà làm quen được với nó?

Thằng em dấu đầu hở đuôi, chống chế:

- Không! Lúc pause(1) thằng em được nghỉ, ra ngoài quán ngồi thì gặp nó.

Gã cho thằng em qua câu ấy, xong lại hỏi tiếp:

- Thế con bé có khá không? Làm cái gì? Ơổ đâu?

Nó đáp, không dấu nổi vẻ tự hào, hãnh diện:

- Trông em gái cũng khá lắm, nhà ở ngay trung tâm, là sinh viên, tiếng Ðức, tiếng Việt giỏi như nhau, đang thực tập ở gần đây.

Gã bảo:

- Thế thì thằng em bố trí để bao giờ dẫn nó về đây chơi đi. Lâu lắm rồi tao không được nhìn thấy đứa con gái Việt Nam nào, phải điều chỉnh lại mồm, lại mắt.

Nó đáp:

- Ô kê! Thế nào cũng có dịp sẽ đưa em gái về đây trình diện với thằng anh?

Dạo lễ Phục Sinh, các loại cửa hàng, công sở, quán Tầu, quán Tây đóng cửa nghỉ hết thì thằng em dẫn con bé về. Mấy hôm trước nó đã dậy sớm dọn dẹp lại nhà cửa, lau chùi bàn ghế, tủ rả, thay chăn ga mới, lại mua cả một bó vừa hồng, vừa cúc, lẫn thược dược, cẩm chướng thật bự cắm vào bình hoa để ở cái bàn giữa nhà. Cả bát đĩa, xoong, chảo trong bếp, thằng em cũng rửa ráy, lau chùi cho đến sáng choang lên mới thôi. Từ trước, cái tủ lạnh thường là trống không, giờ nó mua về đầy nhóc đồ ăn, gà non, gà già, thịt bò, thịt lợn, trứng và các loại rau quả,... chất đầy trên nóc máy giặt đủ loại bia cùng một cơ số rượu nhẹ, rượu nặng đủ vật ngã bất kỳ một đấu thủ nào dù có uống khỏe như sư tử đi chăng nữa.

Buổi sáng ngày lễ Phục Sinh, sau khi đã hút bụi lại một lần nữa cho tấm thảm mới mua vẫn còn sạch như lau như lia, rửa lại ít cốc chén, thằng em thắng bộ quần áo bảnh nhất của nó vào rồi bảo gã:

- Thằng anh cũng rửa mặt, đánh răng, rồi cạo râu, chải đầu đi... Bộ củ của ông đâu, lấy ra mà mặc vào. Ðã mấy khi mà nhà mình có khách đâu.

Nói xong nó hớt ha hớt hải ra đi để gần ba tiếng sau đưa được con bồ mới cưa cẩm về. Chúng nó đứng trước cửa và lịch sự bấm một hồi chuông nhẹ, đợi gã phải đứng lên mở cửa mời mọc tử tế mới bước vào phòng. Con bé lí nhí chào, trong khi thằng em sốt sắng cởi áo khoác của nó khoác lên mắc áo treo vào tủ, rồi kéo ghế cho nó ngồi. Ðể thằng em khỏi phật ý, gã cũng làm ra vẻ lăng xăng hỏi xem con bé thích uống cái gì, nước ngọt, nước khoáng, chè hay cà phê. Con bé hỏi nhà các anh có chè đen không, nếu có thì cho nó xin một cốc thật đặc, không có đường. Gã ra bếp pha ba cốc chè đen xì không bỏ đường và xếp đầy mấy đĩa vừa bánh, kẹo, vừa cam, táo, xong mang vào chất đầy một bàn để cả bọn vừa ăn uống vừa nói chuyện.

Ðến bây giờ gã mới có thời gian mà nhìn kỹ con bồ của thằng em. Nó chẳng lấy gì làm xinh, nếu không muốn nói xấu là đằng khác. Ðược cái dáng hơi dong dỏng cao là tàm tạm, chân dài, mông to, ngực to, nhưng da đen, mặt ngắn, miệng rộng, môi dày, răng thưa, cái mũi vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi, cặp mắt trố, trắng dã như mắt lợn luộc, lông mày vừa ngắn, vừa thưa, đếm được từng sợi, mái tóc rễ tre cứng quèo, mảng đen, mảng vàng hoe hoe như râu ngô.

Con bé có vẻ điệu và rất để ý đến việc giữ eo, giữ dáng. Lúc thằng em nhấc một cái bánh ngọt ngon và đẹp nhất đĩa dâng lên mời thì nó trợn mắt lên, nhún vai, xua tay chối đây đẩy:

- Ấy chết! Em không dám ăn nhiều của ngọt như vậy đâu. Có mà thành cái thùng phi mất.

Thằng em mời tận tình, rằng chỉ cần ăn một miếng nhỏ thôi, nhưng nó vẫn một một mực nguây nguẩy:

- Em chịu thôi... Ðến nước chè mà em cũng còn không dám cho đường nữa là.

Ðến tận lúc này thằng em mới làm như chợt nhớ ra, nó ngượng nghịu chỉ vào từng người mà nói như tuồng:

- Giới thiệu với Lan Anh, đây là anh Phúc bạn thân của người ta từ ngày sang Ðức. Còn đây là Lan Anh, sinh viên năm thứ tư, bạn của em, đang thực tập ở phòng khám bệnh phụ khoa.

Gã cười ruồi, cho qua lời giới thiệu trang trọng của thằng em, xong cũng hỏi cho có chuyện:

- Lan Anh sang Ðức được lâu chưa?

Con bé trả lời, giọng vừa kiêu vừa điệu:

- Dạ, sơ sơ cũng mới có gần một chục năm thôi ạ.

Thằng em gã xen vào:

- Lan Anh cũng là dân lao động hợp tác như anh em mình nhưng hiếu học lắm. Dạo phá hợp đồng, mọi người lao vào làm ăn, buôn bán như điên, cả đoàn chỉ có một mình vị ấy là xin được đi học...

Nghe đến đấy, cô bé cười, ngắt lời thằng em lại:

- Khối người bảo là em hâm đấy các anh ạ. Nhưng em cứ ngồi xổm trên dư luận, mặc kệ thằng nào con nào muốn nói cái gì thì nói.

Gã cũng cười, phụ họa vào bằng một câu vu vơ:

- ừ! Nhiều khi cũng phải ngồi xổm trên dư luận thật.

Bữa cơm trưa hôm ấy ngon. Con bồ của thằng em có vẻ có năng khiếu về nấu nướng. Nó xung phong vào làm bữa với thằng em trong bếp, ưu tiên cho ông anh ngồi chơi xơi nước để khoảng hơn một giờ sau bưng ra xếp đầy một bàn đủ các loại thức ăn, mà món nào cũng được gia giảm cho rất vừa miệng. Lúc nghe gã khen nịnh một câu, con bé nói, vẻ rất tự hào:

- Em là dân Hà Nội mà anh. Mà đấy là em đã phiên phiến đi rất nhiều rồi đấy... Chứ dạo còn ở nhà, thịt gà luộc mà không có lá chanh em cũng ứ thèm ăn đâu.

Cơm nước xong, gã nghĩ thầm là cũng nên kiếm cớ bỏ đi chỗ khác, để ở nhà thằng em được tự nhiên. Và gã đi thông cho đến tận hơn mười giờ đêm mới về. Thằng em và con bồ của nó đã đi từ lúc nào, chúng để lại phần cho gã một mâm rất tươm tất. Gã ngồi vào bàn ăn, nhâm nhi đến gần cuối bữa thì thấy thằng em về. Nó có vẻ hơi mệt, ngồi phịch xuống ghế, với lấy hộp bia, bật nắp rồi ngửa cổ nốc ừng ực.

Ngồi được một lúc, không đợi gã hỏi han gì, thằng em đã nói trước:

- Chiều nay em với bé tâm sự nhiều lắm... Ðời nó cũng khổ thằng anh ạ.

- Như thế nào mà khổ? - Gã hỏi.

Thằng em đáp:

- Thì đại thể: Mẹ nó mất sớm. Từ ngày lấy vợ kế, ông bố chẳng hề quan tâm gì đến mấy anh em nó, làm được đồng nào cũng phải mang nộp cho bà kia hết. Mấy thằng anh thì trộm cắp, cờ bạc, nghiện ngập, bê tha... đối với em cũng chẳng tử tế gì. Chúng nó đánh con này suốt, để đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn bị đau đầu, đau bụng. Nó kể, có lần xào rau muống nó quên không cho muối, có vậy mà bị một thằng anh đằn ra, nhét cả thìa muối vào mồm bắt nuốt hết. Lại có lần chúng bắt nó uống cả nước đái nữa...

Gã nhún vai, gật đầu, tỏ vẻ thông cảm:

- ừ, thế thì khổ thật.

Thằng em kể tiếp:

- Ðang dở dang lớp mười, nó phải bỏ học để xin vào làm ở công ty vệ sinh của thành phố. Thằng anh biết nó làm cách nào để đi Tây được không? Phải mất trinh cho lão trưởng phòng tổ chức đấy... Mà sang đến đây rồi cũng vẫn còn khổ, mấy lần bị bọn Tây trong nhà máy lôi vào rừng hiếp.

Gã chép miệng, an ủi thằng em bằng một câu vu vơ, vô thưởng, vô phạt:

- Thì có khi tại cái số nó vậy.

Thằng em lại kể:

- Nhưng nó cũng là đứa có trí lắm. Khổ vậy mà vẫn cố gắng học. Nó bảo, chỉ vất vả thêm vài năm nữa là kiếm được cái bằng bác sỹ. Ðến lúc ấy nó sẽ mở phòng mạch tư, ổn định công ăn việc làm rồi mới tính chuyện gia đình.

Sau mấy lần đưa con bồ về nhà chơi như thế nữa, một hôm thằng em nói với gã:

- Thằng em muốn đưa Lan Anh về đây sống chung. Thằng anh thấy thế nào?

Gã nói:

- Tùy mày! Nhưng sao vậy?

Thằng em đáp:

- Hiện nó đang thuê ở riêng một wohnung(2) , nhưng đắt quá, hơn sáu trăm Mark một tháng. Thằng anh tính, sinh viên lấy chó đâu ra tiền... Về ở chung với thằng em thì nó đỡ được khoản ấy.

Gã tỏ vẻ hơi ngại:

- Tao với mày thì làm sao cũng được. Nhưng chỉ ngại mỗi điều là nó là con gái.

Thằng em tấn công luôn:

- Con gái thì đã sao? Thằng anh cứ coi nó là em gái đi... Với lại thằng em thấy, nó cũng có vẻ mến thằng anh lắm đấy...

Từ ngày có con bồ thằng em về ở chung cái căn hộ hai buồng vốn bẩn thỉu, bừa bộn của bọn gã như được thay đổi hẳn. Con bé chịu khó lau chùi, xắp xếp lại đồ đạc cái nào ra cái ấy cho gọn gàng đẹp mắt. Bàn ghế, tủ rả, cửa kính lúc nào cũng sáng choang. Chăn ga, quần áo bẩn của bọn gã thải ra nó giặt giũ sạch sẽ, là ủi cẩn thận xong mắc thẳng thớm vào trong tủ. Những ngày nghỉ của ba anh em vui như hội. Cả bọn đưa nhau đi mua sắm, nấu nướng ăn uống, con bé có dịp trình diễn nhiều món đặc sản, tối đến không đi xem phim xem kịch thì cũng đi nhảy disco hoặc đi hát caraoke.

Con bé có vẻ mến gã thật, nó nhí nha nhí nhảnh, vô tư kể đủ mọi thứ chuyện cho gã nghe. Nhiều hôm thằng em lười để cho hai anh em gã đi chợ. Xuống đến đường là nó đi sát vào người gã, đưa tay ra cho gã cầm, dung dăng, dung dẻ như hai đứa trẻ con. Ơổ những chỗ chờ đèn xanh, đèn đỏ, nó đứng quay mặt về phía gã, cười, nói, nũng nịu cứ như là với người yêu.

Nó cũng hay hỏi gã là cách ăn mặc thế này thế kia xem kiểu nào thì đẹp. Nhiều lúc chỉ có hai anh em ở nhà mà con bé thử đến ba bốn kiểu áo. Nó cứ đứng trước gương mà tự nhiên hết cởi ra đến mặc vào, xong quay sang xin ý kiến gã là đã được hay chưa, có khi còn chạy đến nhờ kéo hộ cái phemotuya hay cài hộ mấy khuy áo khó khăn phía sau lưng... Phần gã cũng coi con bé như là em gái thật, vô tư giải đáp các câu hỏi hoặc làm hộ nó những việc vặt vãnh ấy. Thỉnh thoảng mua được bộ quần áo mới, gã cũng hỏi nó xem có khỏi nhà quê quá không. Soi gương, thấy trên đầu đã điểm vài sợi tóc bạc, nếu tự mình không nhổ nổi thì gã gọi nó, bảo là nhờ em gái tân trang hộ anh tí. Con bé chẳng có gì gọi là ngại ngùng. Nó kéo đầu ông anh vào lòng, bắt xoay bên trái, bên phải, nhổ cho bằng hết mọi sợi mới thôi. Nhiều hôm, nó còn tỉ mỉ nặn cho gã những mụn trứng cá lấm tấm trên mặt, xong còn lấy nước hoa xoa xoa vào bảo làm như thế cho khỏi nhiễm trùng và khỏi có sẹo.

Ba anh em ở với nhau như thế được chừng hơn tháng thì thằng em lăn ra ốm. Bác sỹ bảo nó bị cả bệnh phổi lẫn bệng gan, trong máu lại có nhiều mỡ. Gã đoán có lẽ là vì thằng em làm ở trong bếp nhiều. Sáu bảy năm trời ngày nào cũng hàng hơn chục giờ đồng hồ đối diện với mấy cái bếp ga cháy hầm hập như thế, lại hít thở phải thứ không khí vừa nóng hừng hực, vừa bị ô nhiễm bởi ti tỉ thứ mùi mè thì bị mấy cái bệnh ấy là đúng lắm. Gã nghĩ mà thấy kinh. Rồi cũng đến một lúc nào đấy, căn bệnh ấy sẽ lây sang gã là cái chắc chắn. Bây giờ cơ thể còn tạm gọi là khỏe mạnh, còn chống chọi được, chứ ít nữa yếu đi rồi thì trước sau cũng bị nó đánh quỵ.

Thằng em phải vào nằm trong bệnh viện. Cơ thể nó giờ gầy gò, tiều tụy, nước da bủng beo, vàng khè, đôi mắt hoe hoe, trũng xuống như đôi lỗ đáo, hơi thở khò khè và hôi...

Vào những ngày nghỉ gã lại đưa con bé vào thăm thằng em. Con bé hỏi nó có thèm cái gì nói để nó làm đưa vào cho mà ăn. Nhưng lần nào thằng em cũng rất cảm động, rân rấn nước mắt mà lắc đầu, bảo trong này chẳng thiếu gì, và nó cũng chẳng thèm, chỉ hơi buồn là không có ai để mà tâm sự thôi.

Cũng có lúc tiện đường chỉ một mình gã vào bệnh viện. Thằng em nỉ non nói với gã rằng là nó yêu và thương con bé lắm. Nó phó thác con bé cho gã, bảo rằng thằng anh nên quan tâm, chăm sóc đến em gái một tí, nói chuyện, nói trò với nó hoặc thỉnh thoảng hai anh em đưa nhau đi đâu chơi cho đỡ buồn.

Thằng em đúng là biết lo xa, nhưng hơi thừa. Những ngày không có nó ở nhà, thằng anh và con bé đã có thừa điều kiện để quan tâm đến nhau. Con bé vẫn thường đứng trong buồng tắm mà gọi với ra sai gã tìm hộ khi thì cái khăn, lúc lại cái quần lót, áo lót để mang vào. Ðêm thì nó kêu nằm một mình, không có ai tâm sự thì buồn, không ngủ được. Tự nhiên nó lại đọa chứng hay đau bụng, đau lưng với tức ngực, cứ bắt gã phải mang dầu vào mà xoa hoặc làm tẩm quất hộ...

Hai đứa chăm sóc nhau kỹ đến nỗi thời gian về sau quên hẳn cả việc vào bệnh viện thăm thằng em nữa. Cho đến ngày nó được về thì gã và con bé đã sống với nhau tự nhiên như vợ chồng. Con bé giành hẳn ra một buổi để tâm sự với nó. Ðại để là nó rất mến, rất cảm ơn thằng em, rằng thằng em đã giúp đỡ, đã cho nó nhiều cái chẳng biết lấy gì mà trả nổi... Nhưng nó thấy tình cảm giữa hai đứa cũng chỉ đến mức coi nhau như anh em thôi, còn đi xa hơn thì không được, còn nhiều điều không hợp nhau lắm.

Thằng em chẳng biết nói gì hơn, thở dài đáng thượt một cái, lấy thuốc uống rồi đi nằm - Trước ngày từ bệnh viện về, ông bác sĩ đã cấp cho nó cái đơn mua được cả tủ thuốc, bảo phải uống ngày cả chục bận. ứt lâu sau thì nó thuê được một căn hộ mới ở gần chỗ làm. Con bé và gã tận tình giúp nó chuyển đồ đạc từ nhà cũ sang nhà mới. Hôm đã xong xuôi, lúc ngồi ăn với nhau bữa cơm cuối cùng, thằng em tâm sự:

- Tôi tuổi lừa, ông anh tuổi chó... Ngẫm lại cũng đúng, nhỉ. Nó chuyển gam, ông, tôi, chứ không thân mật thằng anh, thằng em như trước nữa.

Trong lúc gã cười, nhớ lại câu nói đến cứt cũng còn phải ăn nữa là của mình ngày trước thì nó quay sang con bé hỏi tiếp:

- Thế còn em gái. Em gái cầm tinh con gì?

Con này nhe hai hàm răng vừa thưa, vừa to, vàng khè như vừa xơi thịt gà nấu ca ri xong, vừa ngặt nghẽo cười, vừa nói:

- Thì em cũng tuổi chó. Em với anh Phúc nhà mình cách nhau vừa chẵn một giáp mà.

mỗi lần click vào đường link này, bạn đã ủng hộ wap 0.0000001$. click vào để ủng hộ wap! Thank
Ten mien ngan gon:hoamaoga.tkThat de nho phai ko?




Danh gia
Có nên yêu không khi tình yêu đang le lói? Có nên nhớ không khi nỗi nhớ loé trong tim? Có nên tin không khi niềm tin đang trỗi dậy? Có nên ghét không khi yêu thương đang tràn trề?
>>>tiamo<<<
Đang đọc : 1 Hôm nay có: 1 bạn đọcLượt đọc: 10505bodem
© 2010-2011 Hoamaoga.mobie.in